5 nguyên tắc phong thủy cơ bản, nhất định phải biết trước khi xây nhà
5 nguyên tắc phong thủy cơ bản nhất không thể không biết
Phong thủy nói chung, phong thủy nhà ở nói riêng là một hệ thống học thuật tương đối phức tạp. Nó có nhiều trường phái khác nhau với những lý luận và ứng dụng riêng, thậm chí đối lập nhau. Bởi thế, có nhiều điểm về phong thủy còn chưa ngã ngũ gây mơ hồ, khó hiểu.
Tuy nhiên, bỏ qua những yếu tố huyền bí, phong thủy rất thực tế và gần gũi với đời sống con người. Ngày nay, dù bạn ở trời Đông hay trời Tây, dù bạn xây nhà theo phong cách nào, muốn có kiến trúc đẹp và không gian sống tốt đều phải thiết kế, xây dựng dựa vào địa thế, môi trường xung quanh. Và không gì khác là tuân thủ các nguyên tắc phong thủy ngay từ khi mua đất hoặc chọn vị trí muốn xây.
>> Lưu ý để thiết kế nhà đẹp chuẩn phong thủy hiện đại theo tứ tượng
Cơ sở triết học của phong thủy
Văn hóa truyền thống cổ đại Trung Hoa cho rằng con người và thiên nhiên luôn có mối quan hệ qua lại không tách rời “Thiên nhân tương ứng, thiên nhân hợp nhất”.
Người xưa coi trọng môi trường thiên nhiên xung quanh, bao gồm cả sự ảnh hưởng của kiến trúc nhà ở. Từ đó các nguyên tắc cơ bản trong phong thủy cùng những lý luận phong thủy độc đáo ra đời, được lưu truyền, phát triển ứng dụng tới ngày nay.
Thuyết Tam Tài Thiên – Địa – Nhân của triết học phương Đông coi Con người là trung tâm của vũ trụ. Trời, Đất sinh ra, vận động rồi tạo nên Con người như là một vụ trụ thu nhỏ hoàn hảo nhất.
Đương nhiên, Con người là sản phẩm của tự nhiên thì phải chịu sự chi phối của tự nhiên, tuân theo quy luật của tự nhiên. Và phong thủy có chức năng điều tiết toàn bộ các mối quan hệ này.
Phong thủy là phương pháp giúp điều hòa mối quan hệ giữa Trời - Đất - Con người
Phong thủy là gì?
- Phong thủy là gì? Phong thủy là một một bộ môn khoa học siêu hình học nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống họa, phúc của con người. Nó có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại. Trong đó, Phong 風 (gió) là hiện tượng không khí chuyển động, Thủy 水 (nước) tượng trưng cho địa thế.
- Các yếu tốt của phong thủy: Sẽ có người bị vướng mắc vào hai chữ “phong”, “thủy” mà cho rằng nó chỉ có hai yếu tố nước và gió. Thực chất, Phong thủy là sự tổng hòa của toàn bộ các yếu tố môi trường xung quanh gồm: Con người, làng mạc, thôn xóm, thành phố, mồ mả, hướng nắng, hướng gió, sông, hồ, đồi, núi và hình dạng, bố cục mặt bằng không gian xây dựng,…
- Thuật phong thủy là gì? Khi phong thủy áp dụng phương pháp tìm kiếm và chọn lựa nơi trú ngụ hoặc mai táng cát tường phú quý, phúc thọ bình yên thì gọi là thuật Phong thủy. Thuật phong thủy chủ yếu dựa vào dịch lý, thuyết âm dương ngũ hành.
5 nguyên tắc trong phong thủy cơ bản nhất ai cũng cần biết
Nguyên tắc phong thủy là gì? Các nguyên tắc cơ bản trong phong thủy là hệ thống lí luận chung cơ bản nhất. Nó giống như kim chỉ nam cho hành động, là nền móng cơ sở của bất cứ hoạt động thiết kế, xây dựng theo phong thủy nào.
Tuân thủ quy luật tự nhiên là một trong những cách thiết kế nhà theo phong thủy tốt nhất
Nguyên tắc 1 - Nguyên tắc hệ thống căn bản
Như trên đã nói, vũ trụ là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm Trời, Đất, Thiên nhiên vạn vật. Trong đó, Con người là trung tâm. Cái mà chúng ta có thể gói gọn trong một từ dễ hiểu hơn - Môi trường.
Các yếu tố bên trong môi trường luôn có quan hệ qua lại mật thiết với nhau. Chúng điều tiết nhau, tồn tại độc lập với nhau, thậm chí đối lập nhau nhưng lại chuyển hoá lẫn nhau.
Người làm nghề thiết kế hay xây nhà cần nắm vững quy luật cơ bản này để ưu việt hoá kết cấu, tìm ra phương pháp kết hợp tốt nhất trên góc độ vĩ mô. Nó vừa giúp ngôi nhà đẹp về thẩm mỹ kiến trúc, cảnh quan môi trường; vừa tạo không gian sống thịnh vượng muôn đời.
Con người là trung tâm của hệ thống nên phải chịu sự chi phối theo quy luật của hệ thống.
>>Xem thêm:
- Cách thiết kế giúp tăng sinh khí cho ngôi nhà
- 12 lưu ý khi thiết kế biệt thự sân vườn chuẩn phong thủy
Nguyên tắc 2 – Nguyên tắc ứng dụng linh hoạt
Nguyên tắc phong thủy khi xây nhà thứ hai là phải biết ứng dụng lý luận vào tình hình thực tế. Người làm các ngành nghề liên quan cần linh hoạt, không máy móc, dập khuôn.
Khi thiết kế nhà cửa hay xây dựng công trình cần dựa vào tính khách quan của môi trường xung quanh để đề xuất giải pháp thích hợp. Những giải pháp này vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia chủ, vừa phải hài hòa thiên nhiên.
Chẳng hạn, mỗi nơi có khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình, văn hóa đời sống, phong tục sinh hoạt, tập quán khác nhau. Người tư vấn thiết kế nhà cửa hoặc thi công xây dựng nhà cửa ở nơi nào phải biết sử dụng phong cách kiến trúc, bố trí không gian, cảnh quan thích ứng với môi trường tự nhiên ở nơi ấy. Giống như làm nhà ở vùng Tây Bắc thì nên thấp, làm nhà ở phương Nam thì nên nhiều tầng, làm nhà ở vùng thung lũng cần cao ráo.…
Tuân theo nguyên tắc nhưng cần ứng dụng linh hoạt theo hoàn cảnh.
Nguyên tắc 3 - Bảo vệ môi trường và thực vật bản địa
Người xưa coi núi (sơn) là cốt của đất, thủy (nước) là khởi nguồn sự sống của vạn vật. Xây nhà ở nơi “sơn hoàn thủy bão” là địa thế lý tưởng. Làm nhà ở những nơi này phải có lưng dựa vào núi, kề vào sông, mặt hướng ra biển để hưởng linh khí của trời đất. Đó là nguồn năng lượng từ ánh sáng tự nhiên, là nguồn thức ăn dồi dào từ thực vật, cỏ cây, là hệ sinh thái trong lành, mát mẻ...
Làm nhà hướng Nam là một ví dụ điển hình của việc tuân thủ nguyên tắc phong thủy nhà ở bảo vệ môi trường. Những căn nhà xây hướng này được coi là thuận ứng với thiên đạo. Chúng có dương khí dồi dào do mặt trời chiếu từ sáng tới chiều và tránh được gió lớn, gió độc. Sống ở đây, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, con người luôn có sức khỏe dồi dào, sinh khí tươi trẻ.
Ngày nay, ở nhiều vùng đồi núi có tình trạng người dân xây nhà thiếu quy hoạch. Họ thuê máy móc cào núi, san đồi, lấp ao, lấp sông để làm nhà. Rừng bị đốn hạ, cảnh quan môi trường tự nhiên bị phá vỡ, núi đồi chập chồng trở nên bằng phẳng. Hậu quả là lũ lụt, sạt lở, nắng nóng và nhiều hệ luy lâu dài khác. Đó là minh chứng của việc chống lại quy luật của tự nhiên.
Dù làm nhà hay làm gì, nếu tôn trọng tự nhiên sẽ được tự nhiên ưu đãi. Phải biết tính toán bố cục, đặt cái nhỏ vào trong cái lớn, từ cái lớn nhìn vào cái nhỏ để suy xét cho toàn diện. Ấy mới là người thông thái biết nhìn xa trông rộng.
Tôn trọng tự nhiên sẽ được tự nhiên ưu đãi, ngược đãi tự nhiên sẽ bị tự nhiên phản ứng lại.
Nguyên tắc 4 – Đón lành tránh dữ
Phong thủy luôn song hành hai yếu tố hung (điều gở, điều bất lợi) và cát (điều tốt lành, may mắn). Sự kết hợp hài hòa giữa con người và ngoại cảnh là cát. Ngược lại là hung. Điều này thường khách quan bởi tự nhiên vận động, biến đổi khó lường.
Tuân thủ đúng một trong các nguyên tắc trong phong thuỷ là tốt nhưng cũng có ngoại lệ. Sẽ có những kết hợp tạo ra bất lợi không thể hóa giải, buộc chúng ta phải áp dụng nguyên tắc khác để chuyển hóa. Đó là đón lành tránh dữ. Cái gì lành thì giữ, cái gì dữ không thể hóa giải thì phải tránh, không nên cố chấp mà rước họa vào thân.
Chẳng hạn, về nguyên tắc, làm nhà nơi có ao, suối, biển, hồ...là lý tưởng. Tuy nhiên, nếu nó nhằm vào mạch dòng nước chảy siết, trạch cơ không ổn định thì rất dễ gặp thủy tai hoặc sạt lở. Lúc này không thể cố chấp xây nhà ở đây, cần tìm nơi khác có địa thế ổn định để an cư.
Vạn vật trong vũ trụ đều tồn tại song song hai thuộc tính đối lập. Nếu thiếu một trong hai tạo nên sự mất cân bằng.
>>Xem thêm:
- Sai lầm trong thiết kế nhà ở khiến gia chủ gặp họa hao tài tốn của
- Những kiêng kị cần tránh khi thiết kế cổng biệt thự đẹp theo phong thủy
Nguyên tắc 5 - Kết hợp Âm Dương hài hòa
Theo Phong thủy ngũ hành, mọi vật đều song hành hai thuộc tính Âm và Dương. Giống như bản chất của vạn vật; Âm, Dương tồn tại độc lập nhưng có quan hệ mật thiết với nhau tạo nên sinh và khắc. Bản chất mỗi yếu tố sinh, khắc lại tồn tại hai sự đối lập Âm và Dương. Vòng tuần hoàn này chính là bản chất vận động của vạn vật trong vũ trụ, cho dù là nhỏ nhất.
“Làm việc gì mà đạt được cân bằng âm dương sẽ được gọi là trung dung chi đạo. Trung dung là phối hợp hoàn hảo, không thiên không lệch, không to không nhỏ, không cao không thấp.”
Thiết kế hay xây dựng nhà ở cũng phải hiểu nguyên tắc phong thủy này. Chọn hướng nhà, diện tích to hay nhỏ phải phù hợp với thế đất. Nhà to mà người ít sinh âm khí. Nhà nhỏ mà người nhiều thừa dương khí. Nhà nhỏ mà cửa to, nhà to mà cửa nhỏ sẽ tạo sự mất cân đối về mỹ quan. Nhà không có cửa sổ thịnh âm. Nhà quá nhiều cửa sổ lại thịnh dương... Tất cả đều không tốt do bị mất cân bằng.
Việc điều tiết, thay đổi các yếu tố phong thủy nhà ở cũng phải lấy trung dung làm trọng. Cần chú ý đến sự hài hòa, thân thiện trong mối quan hệ giữa người – nhà - thiên nhiên. Nếu can thiệp vào thiên nhiên thái quá sẽ bị thiên nhiên phản ứng lại.
Khi thiết kế, bài trí nội thất nhà ở cũng vậy. Cần kết hợp màu sắc hài hòa sáng - tối, bài trí không gian, vật dụng phù hợp với diện tích. Không gian nhà phải luôn thông thoáng để các luồng khí có thể trao đổi thường xuyên ra vào.
Vạn sự vận hành theo "trung dung chi đạo", vạn sự thành.
Kết luận
Phong thủy là vấn đề lớn không thể nói hết chỉ trong vài phút. Bài viết này chỉ muốn nói rằng, “Kiến trúc là vận, phong thủy là linh hồn”. Muốn kiến tạo một ngôi nhà may mắn, trước tiên phải chọn được môi trường tốt. Tuân thủ các nguyên tắc trong phong thủy khi xây nhà và tôn trọng quy luật tự nhiên khi thiết kế sẽ giúp bạn có cuộc sống thịnh vượng.
Kiến trúc VietAS