Kiến trúc truyền thống Việt Nam nét đẹp đơn sơ yên bình
Kiến trúc truyền thống Việt Nam là một trong những đề tài hay thu hút được nhiều kiến trúc sư dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu. Kientrucvietas.com sẽ chia sẻ cùng bạn đọc thông tin căn bản nhất về kiến trúc truyền thống của dân tộc.
Việc hình thành nên những đặc điểm cơ bản này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quá trình phát triển của nguồn nguyên vật liệu, sự cải tiến qua từng thời kỳ của kỹ thuật xây dựng, sự ảnh hưởng của văn hóa cũng như những nguyên tắc tạo hình trong nghệ thuật kiến trúc truyền thống của dân tộc.
Tính dân tộc và tính địa phương với bản sắc riêng biệt
Tuy gia sản ông cha để lại đến ngày nay không phải là các kì quan vang danh bậc nhất song nó cũng thấm đượm bản sắc dân tộc riêng biệt. Tính dân tộc và tính địa phương thể hiện rõ trong từng công trình kiến trúc. Ở mỗi vùng miền lại có những đặc trưng khác nhau tuy phụ thuộc vào văn hóa cũng như đặc điểm địa hình, khí hậu cùng sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Từ đó, có thể thấy sự đa dạng muôn hình muôn vẻ trong các kiến trúc thống của dân tộc.
Chùa Thiên Mụ. (Ảnh: ST)
Phong cách giản dị, nhẹ nhàng, khoáng đạt
Nổi bật lên từ các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy phong cách giản dị, nhẹ nhàng, khoáng đạt... Phong cách này thể hiện rõ nét văn hóa cũng như truyền thống, tâm lý của người dân Việt. Nó phản ảnh tính chất dân tộc đậm đà cũng như tính giản dị, khiêm tốn của con người Việt Nam. Đặc biệt hình ảnh thiên nhiên, ruộng đồng, cây tre, vườn cây, con thuyền, dòng sông… cũng đều góp mặt trong các công trình kiến trúc. Qua mỗi công trình kiến trúc truyền thống còn nhận thấy đời sống văn hóa của người dân như các phong tục tập quán, hội hè, rước lễ, tôn giáo tín ngưỡng…
Quang cảnh thiên nhiên
Hầu như các công trình kiến trúc cổ đều có quang cảnh thiên nhiên đẹp. Đặc biệt là các công trình kiến trúc cổ, dân gian có tầm vóc như: kinh đô, lăng mộ,… Các công trình này có vị trí địa lý, địa hình lý tưởng. Không gian mang lại giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị cuộc sống cao. Có những vị trí có thế ngắm nhìn, phóng xa tầm mắt thấy được non xanh, nước biếc, cây cỏ tốt tươi, giang sơn gấm vóc… ở quanh ta.
Nếu không có sẵn thì người xưa cũng đã biết tự tay tạo dựng không gian thiên nhiên cho mình. Cây cổ thụ xum xuê bên quán nghỉ, cổng làng; hồ nước trong xanh soi bóng tháp chùa, mái miếu; vườn hoa, khóm trúc trong ngôi nhà ớ dân gian... làm cho mối tương quan giữa kiến trúc và thiên nhiên càng thêm gắn bó.
Lăng vua Khải Định. (Ảnh: ST)
Bố cục tương xứng, hài hòa
Bố cục này thường được sử dụng trong các công trình kiến trúc cổ Việt Nam. Các chi tiết thường được đăng đối theo trục dọc hoặc quy tụ vào một điểm. Sự vận dụng khéo léo thêm các yếu tố tạo hình như: thống nhất và biến hóa, cân bằng và ổn định, tỉ lệ và tầm thước… cũng đã tạo nên bố cục đẹp cho kiến trúc truyền thống.
Màu sắc trang trí đẹp mắt
Tùy mỗi công trình mà việc sử dụng màu sắc và cách trang trí có khác nhau. Sự khác biệt đơn giản như nhiều hay ít, đơn giản hay phức tạp… Việc trang trí và sử dụng màu sắc được các nghệ nhân khéo tay tài hoa đảm nhận. Do đó giàu tính dân gian, chân thực và đậm đà sắc thái dân tộc.
Thành Cổ Loa. (Ảnh: ST)
Tính khoa học, tính kinh tế
Kiến trúc truyền thống Việt Nam sử dụng ngay nguồn nguyên vật liệu trong nước để xây dựng. Những vật liệu này thường có sẵn trong tự nhiên hoặc được khai thác gia công lại như: tre, gò, đá, gạch, ngói... Hệ thống cấu trúc chi tiết và rất vững vàng trước điều kiện khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt. Việc tính toán và sử dụng hợp lý tính năng của nguyên vật liệu cũng như sự sắp xếp về hình dáng, kích thước của kiến trúc đều có cơ sở khoa học rõ ràng.
Trải qua nhiều thời kỳ xây dựng và đổi mới, đến nay có thể nhận thấy các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam vẫn còn giữ được những giá trị nhất định. Kientrucvietas.com hy vọng rằng các thế hệ sau nữa không chỉ giữ gìn mà còn phát huy được thêm nhiều thành tựu mới cho ngành kiến trúc Việt Nam.
Tổng hợp Internet