Tìm hiểu kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam
Mỗi dân tộc lại có đặc trưng riêng trong cách xây dựng nhà tùy vào đặc điểm của văn hóa, khí hậu, thói quen canh tác, địa hình, lao động sản xuất và phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Vừa khai thác kinh nghiệm của tộc người khác lại vừa sáng tạo ra không gian nhà ở cho tộc mình, kiến trúc nhà ở truyền thống việt Nam có 5 loại chính, hãy cùng kientrucvietas.com tìm hiểu.
1. Kiến trúc nhà sàn dài
Đây là nhà dài hàng trăm mét chứa nhiều gia đình sinh sống. Các dân tộc sinh sống ở đây có Cơ Tu, Ba Na, Ê Đê, Hrê, Gia Rai, Rơ Măm, Xơ Đăng, Tà Ôi … Sống quần cư theo các bản làng, mỗi bản lại có nhiều nhà sàn dài bám chung quanh ngôi nhà rông.
Nhà sàn dài của người Ê đê (Ảnh 1)
Về kiến trúc nhà: Nhà sàn dài có hai mái dốc, đầu hồi khum khum cong như chiếc mai rùa, trên đầu đốc là cặp sừng trâu hoặc tre gỗ làm khau cút đơn giản . Mang dáng dấp một con thuyền, hai vách của ngôi nhà dọc dựng thượng thách – hạ thu. Hai phía đầu hồi là cửa ra vào mở, riêng dân tộc Rơ Măm cửa chính lại quay mặt ra phía nhà rông. Ngày nay, các tộc người này sống chủ yếu ở nhà sàn nhỏ với gia đình thông thường là hai thế hệ.
2. Kiến trúc nhà sàn ngắn
Nhà sàn ngắn dành cho gia đình có một đến hai thế hệ sinh sống, các dân tộc ở nhà này bao gồm: Thái, Bru – Vân Kiều, Mường, Chu Ru, Cống, Chứt, Kháng, Giáy, Khơ Mú …
Nhà sàn ngắn ở Mai Châu (Ảnh 2)
Họ sống quần cư thành bản làng dọc theo các sườn đồi, con sông hay dưới thung lũng. Các ngôi nhà sàn xếp vòng thành hình tròn hay hình bầu dục chung quanh ngôi nhà rông nằm trên khu đất cao giữa bản.
Về kiến trúc: nhà sàn, mái hai đầu hồi khum hình mai rùa, ba gian hai chái hoặc bốn mái. Hai đầu hồi là cửa ra vào, cửa sổ hai bên vách, hai đầu đốc nhà được trang trí khau cút. Vật liệu làm nhà sàn chủ yếu bằng tre, gỗ, mái lợp cỏ tranh.
3. Kiến trúc nhà sàn kết hợp với nhà trệt
Đại diện là nhóm các dân tộc như Dao, Lô Lô, Mnông…. Trên lưng chừng núi, hoặc thung lũng thấp gần sông, suối là nơi các dân tộc này sinh sống thành bản làng. Một khuân viên nhà ở của họ có : nhà chính để ở, nhà bếp và chuồng trại.
Nhà sàn kết hợp nhà trệt của người Dao (Ảnh 3)
Về kiến trúc: Thường thì họ dùng ba gian hai chái để ở. Tầng trệt dùng làm nhà bếp và kho chứa đồ. Vật liệu xây dựng chính là tre, gỗ, mái lợp tranh hoặc tre, vầu chẻ đôi, lợp theo kiểu âm dương. Sàn nhà được ghép bằng nứa, tre, tường vách phên tre đan.
4. Kiến trúc nhà trệt kiểu pháo đài
Đại diện là dân tộc Tày Nùng ở miền núi phía Bắc. Các dân tộc này sống quần cư thành bản làng đông đúc tới hàng trăm nóc nhà trên các sườn đồi thoải hoặc thung lũng ven sông suối.
Một ví dụ cho nhà đất pháo đài (Ảnh 4)
Về kiến trúc: nhà thường ba gian hai chái. Xây kiểu pháo đài, dùng đất đắp tường hoặc xây gạch mộc dày từ 40-60cm. Nhà người Nùng một phần dành cho con gái, phần kia dành cho con trai. Nhà ở người Tày chia làm ba gian. Gian giữa tiếp khách, gian ngoài dành cho con trai, buồng trong dành cho con gái. Khá giống với kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam của người Kinh.
5. Kiến trúc nhà trệt
Đại diện là các dân tộc Chăm,Việt, Hoa, Khmer, Hmông … Họ sống quần cư thành các bản trên sườn núi hoặc ven sông, suối. Cơ cấu tổ chức làng chặt chẽ nhất phải kể đến người Kinh. Các gia đình sinh sống tạo thành một cộng cư với hương ước riêng. Đình làng là công trình công cộng nằm khu đất cao ráo giữa làng.
Nhà trệt truyền thống thường thấy của người Kinh (Ảnh 5)
Về kiến trúc: Nhà có ba gian hai chái, mái ngói âm dương hoặc lợp, phía trước có cửa ra vào, hai bên có cửa sổ nhỏ, có hiên đón. Kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam có hàng rào chung quanh bằng cây xén tỉa, gạch, đá ong. Mỗi nhà lại có thêm vườn cây, ao cá, sân phơi. Gian giữa đặt bàn thờ và tiếp khách, gian hai bên là nơi ở của chủ nhà, con gái và cất giấu đồ đạc.
Tóm lại, kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam đã trải qua bao đổi thay của xã hội nhưng vẫn lưu giữ nét văn hoá, bản sắc và đặc điểm riêng của dân tộc mình. Hiện nay, dưới tác động của đô thị hoá thì kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam đang bị mai một dần cần được bảo tồn và lưu giữ.
Tổng hợp Internet