Có mấy loại giấy phép xây dựng? Các nội dung phải có trong giấy phép xây dựng
Theo Luật Xây Dựng 502014QH13, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ một số công trình được miễn giấy phép xây dựng.
Các loại nhà ở Việt Nam được phân thành 06 loại, bao gồm: biệt thự, nhà cấp 1, nhà cấp 2, nhà cấp 3, nhà cấp 4 và nhà tạm. Tiêu chuẩn phân loại cũng được quy định trong Thông Tư Liên Bộ ban hành kể từ năm 1991 cho tới nay.
Song song với việc nộp thuế nhà, đất; chủ sở hữu còn phải làm hồ sơ xin phép xây dựng công trình trước khi tiến hành các hoạt động thi công. Tùy vào tính chất của dự án mà làm giấy phép xây dựng cho đúng.
Dựa vào Luật Xây Dựng 502014QH13, Kiến trúc VietAS giúp chủ đầu tư giải đáp một số thắc mắc nói ở trên bằng các nội dung cụ thể dưới đây.
1. Có mấy loại giấy phép xây dựng?
Giấy phép xây dựng là gì? Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để tiến hành các hoạt động thi công xây dựng công trình.
Theo Khoản 3 Điều 89, giấy phép xây dựng có 3 loại:
- Giấy phép xây dựng mới
- Giấy phép sửa chữa, cải tạo
- Giấy phép di dời công trình
Đối với các công trình cấp đặc biệt và cấp 1 thì được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn khi đã có thiết kế xây dựng được thẩm định theo quy định của Luật này.
Đối với dự án đầu tư xây dựng gồm nhiều công trình, giấy phép xây dựng được cấp cho một, một số hoặc tất cả các công trình thuộc dự án khi phần hạ tầng kỹ thuật thuộc khu vực xây dựng công trình đã được triển khai theo quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Các nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng
Theo Điều 90, giấy phép xây dựng cần thể hiện đầy đủ 10 nội dung quan trọng dưới đây:
- Tên công trình thuộc dự án.
- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
- Loại, cấp công trình xây dựng.
- Cốt xây dựng công trình.
Cốt xây dựng công trình: Là cao độ xây dựng tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ được chọn phù hợp với quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa.
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
Chỉ giới đường đỏ: Là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất được xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng khác.
Chỉ giới xây dựng: Là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình chính trên thửa đất.
- Mật độ xây dựng (nếu có).
- Hệ số sử dụng đất (nếu có).
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ Khoản 1 đến khoản 8 Điều này còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
- Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.
Lưu ý: Trên đây Kiến trúc VietAS nêu những quy định cơ bản nhất về các loại giấy phép xây dựng ở Việt Nam và nội dung cần phải có trong hồ sơ xin phép. Chủ đầu tư muốn làm bộ hồ sơ chuẩn nộp lên cơ quan chức năng được duyệt ngay, ít phải chỉnh sửa, cần nhờ người có kinh nghiệm hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm:
- Hồ sơ xin phép xây dựng mới công trình không theo tuyến mới nhất
- Hồ sơ xin cấp phép xây dựng mới
- Xin cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo
- Hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
- Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng dự án
- Thủ tục xin giấy phép xây dựng có thời hạn
- Thủ tục xin cấp giấy phép di dời công trình