Giếng bậc thang - Kiến trúc tín ngưỡng độc đáo của người Ấn Độ

Tháng hai 15,2017 01:02 Sáng

Nếu có dịp ghé thăm bang Gujurat, bạn đừng quên ghé thăm những chiếc giếng bậc thang độc đáo. Hầu như mọi làng mạc, thành phố của bang này đều có ít nhất một chiếc giếng bậc thang. Trong bài viết này, các bạn hãy cùng kientrucvietas.com tìm hiểu về chiếc giếng vô cùng ý nghĩa với người dân Ấn Độ này nhé.

Với người Ấn Độ, chúng không chỉ là chiếc giếng lấy nước thông thường, mà chúng được xây dựng với mục đích tín ngưỡng tôn giáo như một hành động sùng kính để được ân xá mọi tội lỗi trong đời.


Công trình kiến trúc giếng bậc thang đồ sộ, hoành tráng (Ảnh: scuolazoo.com)

Giếng bậc thang ở Ấn Độ được thiết kế chia thành ba phần: phần nổi trên mặt đất gọi là Madapa (tức là cửa giếng) được xây dựng khá công phu và nhiều tầng giếng với nhiều bậc thang dẫn xuống tận mặt nước được gọi là Kuta. Dưới cùng là Kund (nghĩa là đáy giếng) nơi chứa nước.

Những tầng giếng đều nằm sâu dưới lòng đất, được chống đỡ bằng các cột lớn, có giếng sâu đến 87 mét. Các mặt của thành giếng được trang trí bằng những họa tiết độc đáo được điêu khắc tinh xảo, tỉ mỉ thể hiện cảnh chiến tranh hoặc sinh hoạt văn hóa dân gian của người Ấn Độ. Hai giếng bậc thang cổ nhất ở Gujarat là Navghan và Adi-Chadi. Cả hai đều nằm trong một ngọn núi đá non. Tiếp đó là hai giếng Jhilani và Manjushr ở Dahank được xây dựng vào thế kỷ thứ 6. Gần 5 thế kỷ sau, giếng Suryakund đã được xây dựng cạnh khu đền thờ Thần mặt trời nổi tiếng ở Modhera.

Trong các giếng bậc thang ở Ấn Độ, giếng Rani ở làng Patan là nổi tiếng và hấp dẫn du khách nhất bởi vẻ đẹp huyền bí và linh thiêng của nó. Giếng được xây dưới triều đại Chalukya vào năm 1032 theo yêu cầu của hoàng hậu Udaymati. Các nghệ nhân đã thả hồn cho cảm hứng của mình bay xa khi trang trí Rani Ki. Mặc dù phần nổi trên mặt đất đã bị tháo gỡ để trang trí cho một chiếc giếng bậc thang khác, nhưng phần chìm còn nguyên vẹn của giếng Rani vẫn gây ấn tượng rất nhiều cho xem người vì quy mô đồ sộ và những họa tiết đẹp một cách kỳ lạ. Hình ảnh thần Vishnu – đấng bảo hộ tối cao trong Ấn Độ giáo, được chạm khắc với nhiều tư thế khác nhau trên thành giếng, trong các hốc tường và hành lang bao quanh. Trong đó, bức chạm đẹp nhất mô tả thần Vishnu ngồi trên kệ hình rắn.

Các nữ thần cũng xuất hiện rất nhiều trong các giếng bậc thang này, như nữ thần Khiêu vũ, nữ thần Sông Núi. Một số tác phẩm điêu khắc ở đây được so sánh với các tác phẩm điêu khắc trong đền thờ mặt trời ở Modhra, đền Vimala Vasahi ở núi Abu hoặc trong các lăng mộ Phật giáo Ấn Độ. Một số hình ảnh chỉ đơn giản là những cảnh thể hiện tín ngưỡng phồn thực. Các thành giếng bậc thang còn được chạm khắc cảnh chiến trận, vũ khí, những chiến binh đang đối mặt với kẻ thù được thể hiện dưới dạng người hoặc con vật.


Giếng bậc thang của người Ấn Độ (Ảnh: finwer.com)

Giếng Mata Bhavani ở Asarva là một giếng bậc thang khá độc đáo, được xây dựng từ thời đại Chalukya dành cho thánh mẫu AmbaBhavani. Nó mang đậm ý nghĩa tôn giáo với kiến trúc hấp dẫn, đẹp mắt với những họa tiết đặc trưng của thời tiền Trung cổ.

Những chiếc giếng bậc thang này vẫn luôn thu hút sự quan tâm của du khách và người dân bản địa tìm đến không chỉ tìm hiểu về thẩm mỹ, mà còn mong muốn nhận được sự nhẹ nhõm về tâm linh mỗi lần tới thăm những công trình kiến trúc này.

Theo Vnexpress



Các bài viết khác

Những nét tiêu biểu về kiến trúc Ấn Độ

Những nét tiêu biểu về kiến trúc Ấn Độ

Những công trình kiến trúc của Ấn Độ luôn trường tồn với dòng chảy của thời gian. Ngoài vẻ  nguy nga và tráng lệ, các công trình  này còn ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa của người Ấn Độ.
Kiến trúc Bà La Môn và kiến trúc Hồi giáo ở Ấn Độ

Kiến trúc Bà La Môn và kiến trúc Hồi giáo ở Ấn Độ

Kiến trúc Phật giáo giảm dần và đến cuối thế kỷ thứ XII thì mất hẳn và kiến trúc đạo Bà La Môn và đạo Hồi mới có điều kiện phát triển mạnh.
Quần thể kiến trúc Mahabalipuram - Di sản văn hóa thế giới tại Ấn Độ

Quần thể kiến trúc Mahabalipuram - Di sản văn hóa thế giới tại...

Mahabalipuram là một quần thể kiến trúc Ấn Độ được xây dựng dưới triều đại vua Pallava từ thế kỷ thứ 7 được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
5 công trình tôn giáo đẹp nhất Ấn Độ

5 công trình tôn giáo đẹp nhất Ấn Độ

Người dân Ấn Độ đã xây dựng rất nhiều công trình tôn giáo đặc sắc khiến người chiêm ngưỡng phải thốt lên thán phục.
Giới thiệu đôi nét về kiến trúc điêu khắc Ấn Độ

Giới thiệu đôi nét về kiến trúc điêu khắc Ấn Độ

Ấn Độ là địa điểm thú vị với các nhà khảo cổ học trên khắp thế giới bởi có thành tựu lớn về kho tàng kiến trúc và điêu khắc.
Kiến trúc Phật giáo ở Ấn Độ- nét đẹp tâm linh huyền bí đến khó cưỡng

Kiến trúc Phật giáo ở Ấn Độ- nét đẹp tâm linh huyền bí đến khó...

Trong bài viết sau kientrucvietas.com rất hân hạnh giới thiệu đến quý vị lối kiến trúc Phật giáo ở Ấn Độ mang nét đẹp tâm linh cực đẹp của vùng Nam Á.