Nền móng là gì, nền móng và nền nhà có phải là một không?
Nếu biết các bộ phận cấu tạo nhà ở cùng chức năng, nhiệm vụ của chúng bạn sẽ không khó khăn để phân biệt nền móng và nền nhà là hai bộ phận hoàn toàn khác nhau. Vậy nền móng là gì? Hãy cùng Kiến trúc VietAS tìm hiểu các nội dung dưới đây.
Nền móng với nền nhà là 2 bộ phận của nhà ở hoàn toàn khác nhau
Phân biệt nền móng và nền nhà
Nền là tầng đất chịu toàn bộ tải trọng của nhà.
Nền móng hay nền móng nhà là lớp nền nằm dưới móng ở sâu trong lòng đất.
Nền nhà là lớp nền ở tầng 1, sàn tầng 1 hay nền tầng trệt…
Theo trình tự, ở bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về kết cấu nền móng trước. Còn nền nhà là gì, mời bạn tiếp tục theo dõi ở bài sau.
Nền móng là gì?
Nền móng hay nền móng nhà là lớp đất nằm dưới móng chịu toàn bộ hoặc phần lớn tải trọng của công trình truyền từ móng xuống. Phần còn lại gọi là đất nền.
Yêu cầu kết cấu nền móng phải ổn định và có khả năng chịu tải trọng đầy đủ.
Có mấy loại nền móng?
Căn cứ vào việc thăm dò địa chất và những tính toán, đo đạc, xử lý; người ta chia nền móng làm hai loại gồm:
- Nền móng tự nhiên (nền tự nhiên, nền thiên nhiên)
- Nền móng nhân tạo (nền nhân tạo)
Nền móng tự nhiên
Minh họa kết cấu nền móng tự nhiên
Nền, nền móng tự nhiên là gì?
Nền, nền móng tự nhiên là loại đất nền có sẵn mà phần địa chất của nó có đủ khả năng chịu toàn bộ tải trọng của công trình kiến trúc mà không cần con người phải gia cố gì thêm.
Ưu điểm của nền móng tự nhiên
Là thi công đơn giản, nhanh, giá thành rẻ, chỉ cần đào rảnh móng, hố móng phẳng hoặc hình thang hơi dốc rồi trải một lớp cát đẹp dưới móng là được.
Tiêu chuẩn của nền móng tự nhiên tốt
Nền đất tự nhiên có địa chất ổn định sẽ không cần áp dụng các biện pháp gia cố móng
Một nền móng tự nhiên chắc chắn, đảm bảo cho công trình bền vững lâu dài cần phải thỏa mãn một số yêu cầu sau đây :
- Có độ đồng nhất, ổn định, đảm bảo sự lún đều trong giới hạn cho phép.
- Có đầy đủ khả năng chịu lực mà người ta gọi là ứng suất tính toán của đất (biểu hiện bằng Kg/cm2).
- Không bị ảnh hưởng của nước ngầm phá hoại như hiện tượng xâm thực vật liệu móng, hiện tượng cát chảy...
- Không có hiện tượng đất trượt, đất sụt như hiện tượng Caxtơ, đất nứt nẻ hay những hiện tượng đất không ổn định khác.
Như vậy, những căn biệt thự được xây dựng trên nền móng tự nhiên tốt không chỉ mang lại cảm giác an toàn mà còn bền vững, lâu dài và tiết kiệm chi phí gia cố móng.
Nền móng nhân tạo
Một số loại cọc phổ thông dùng để gia cố nền đất yếu
Nền, nền móng nhân tạo là gì?
Nền nhân tạo hay nền móng nhân tạo là loại đất nền tự nhiên nhưng khả năng chịu tải trọng yếu. Nó không đủ tính ổn định và tính kiên cố nên buộc con người phải gia cố để nâng cao cường độ và sự ổn định, đảm bảo yêu cầu chịu tải truyền từ móng xuống.
Những căn nhà và biệt thự xây trên hoặc bên cạnh ao, hồ...thường phải gia cố móng để đảm bảo an toàn
Có thể nói một cách dễ hiểu, nền móng nhân tạo chính là nền đất tự nhiên có địa chất yếu (nền đất yếu), không đảm bảo độ an toàn để xây dựng công trình.
Như vậy, các công trình nói chung, các căn biệt thự nói riêng muốn xây trên loại đất nền này buộc phải phải áp dụng các cách gia cố nền đất yếu mới có thể dùng làm nền cho móng công trình được.
Minh họa công đoạn gia cố nền đất yếu bằng cọc móng (Ảnh: Pinterest)
Các loại nền đất yếu thường gặp gồm: Đất bùn, đất loại sét (sét, sét pha, cát pha) ở trạng thái dẻo nhão…
Kiến trúc VietAS
(Tham khảo sách của GS.TS Nguyễn Đức Thiềm, GS.TS Nguyễn Mạnh Thu, PGS.TS Trần Bút và một số tài liệu khác)