5 loại cây trồng trong nhà làm mát không khí tuyệt vời - cực dễ chăm sóc
Những ngày hè nắng như chảo lửa, nhiệt độ ngoài trời có hôm lên tới bốn mấy độ C khiến chúng ta chỉ muốn trốn trong nhà ôm riết lấy chiếc điều hòa. Tuy nhiên, ngồi lâu dưới máy lạnh không tốt cho cơ thể, nhất là những người ít vận động thể chất. Theo đó, ngoài việc chọn lựa những loại cây chịu được nắng nóng gay gắt, chúng ta còn phải sử dụng các loại cây trồng trong nhà giúp không khí mát mẻ. Đây là cách tối ưu nhất, vừa tiết kiệm vừa thân thiện với môi trường.
Thực vật làm mát không khí như thế nào?
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), các loài thực vật có thể làm thay đổi nhiệt độ của bầu khí quyển trái đất nhờ quá trình quang hợp. Những tán lá rừng bạt ngàn bị thoát lượng nước rất lớn làm tăng lượng hơi nước bốc lên khí quyển tạo ra lượng mưa nhiều. Chúng ngăn chặn không cho mặt trời phả hơi nóng xuống trái đất.
Sự thoát hơi nước xảy ra khi bầu khí quyển nóng lên khiến lá của các loài thực vật giải phóng lượng nước dư thừa vào không khí. Đó là cách chúng tự làm mát mình và cũng làm mát cho môi trường xung quanh.
Quá trình thoát hơi nước ngăn ánh sáng mặt trời của thực vật (Ảnh: Wur.nl)
Áp dụng cơ chế này vào nhà ở giúp các gia đình giảm nhiệt trong cái nắng gay gắt hơn 40 độ C, Kiến trúc VietAS xin giới thiệu 5 loại cây trồng trong nhà làm mát không khí tuyệt vời mà lại dễ chăm sóc, mua đâu cũng có, bỏ mặc vài tuần cũng không hề hấn gì. Chúng không những giúp không gian nhà ở thêm xanh mà còn mát mẻ và gần gũi với thiên nhiên.
1. Cây sanh
Theo thông tin từ Wikipedia, sanh là một loại cây cảnh bonsai thuộc họ Dâu tằm được trồng phổ biến trên thế giới và châu Á, trong đó có Việt Nam.
Vốn là một loài cây thân gỗ, nếu được sống trong môi trường tự nhiên thì chiều cao của nó có thể lên tới 15 – 20m. Thân và cảnh dẻo dễ uốn nên sanh dễ tạo nhiều thế đẹp.
Sanh là một trong số ít loại cây mọc tốt ở trong nhà với tán lá xum xuê mà không cần chăm sóc phức tạp.
Sanh ưa nước, rễ và lá của chúng phát triển mạnh vào mùa mưa hoặc trong điều kiện ẩm ướt. Do vậy, trồng sanh trong nhà sẽ giữ được độ ẩm và giảm thiểu nhiệt độ bức xạ từ bên ngoài chiếu vào.
Muốn sanh phát huy tốt nhất khả năng làm mát không khí, bạn nên đặt một số loại cây khác ở xung quanh, thấp hơn và cao hơn nó. Việc nhóm các loại cây lại với nhau như vậy hình thành một hệ sinh thái khí quyển mini trong nhà bạn. Chúng kết hợp với nhau tạo ra một lượng ẩm tốt để ngăn cản nắng nóng.
Không cần chăm sóc cầu kỳ, chỉ cần đặt sanh ở nơi có ánh sáng mặt trời vừa phải để nó quang hợp và thường xuyên tưới nước, đặc biệt là mùa hè.
Cây sanh ưa nước nên cho độ ẩm cao (Ảnh: Pixabay)
2. Cây đa búp đỏ
Cây đa búp đỏ, đa cao su hay đa dai thuộc chi Đa đề có nguồn gốc ở châu Á. Là loài cây thân gỗ lớn có lá dầy hình ô van, mặt lá nhẵn bóng, bên dưới có lông. Trong điều kiện phát triển tự nhiên, đa búp đỏ có thể cao 30-40m với đường kính thân cây rộng tới 2m.
Cũng giống như cây sanh, cây đa búp đỏ ưa ẩm và phát triển trong các điều kiện mưa nhiều ở xứ nhiệt đới. Nó thích những nơi có nhiều nắng nhưng nhiệt độ vừa phải, không ưa những nơi có sương giá và lạnh. Bởi thế nếu muốn cải thiện độ ẩm để làm mát không gian phòng thì trồng đa là một phương pháp vô cùng hữu hiệu.
Đa phát triển được là nhờ rễ cây lấy nước cung cấp cho thân, búp và lá. Khi nhiệt độ môi trường nóng lên, đa búp đỏ giải phóng hơi nước qua những sợi lông nằm ở phía dưới tán lá để làm mát cơ thể và không gian xung quanh.
Đa búp đỏ làm mát không gian (Ảnh: Alexander Walter/Housebeautiful)
- Sai lầm trong thiết kế nhà ở khiến gia chủ gặp họa hao tài tốn của
- Một số điều cơ bản trong phong thủy nhà ở người xây nhà nhất định phải biết
3. Cây thường xanh Trung Hoa
Cây thường xanh Trung Hoa là loại cây có hoa thuộc họ nhà Ráy. Nó nổi tiếng nhờ khả năng lọc các độc tố trong không khí. Với khả năng này, lượng hơi nước nó nhả ra không khí khá cao nên rất thích hợp trồng trong nhà vừa làm tăng độ ẩm, vừa thanh lọc không khí lại làm đẹp cho nhà ở.
Nhưng khác với hai loài thực vật ở trên, cây thường xanh Trung Hoa thích hợp trồng ở nơi có ánh sáng yếu và không cần tưới nhiều nước.
Thường xanh Trung Hoa lọc sạch không khí (Ảnh: Matthew Ward/Housebeautiful)
4. Cây cọ cảnh, cây cọ lá tre
Cây cọ cảnh, cây cọ lá tre hoặc cây cọ tre là một trong những loài cây cảnh hút khí độc có khả năng thanh lọc không khí cực tốt nhờ hấp thụ khí CO2 và nhả khí Oxy (O2) ra môi trường. Lá cọ cảnh càng to thì lượng Oxy nhả ra không khí càng nhiều.
Cũng vì lá cây cọ lá tre không lớn nên không nên tưới theo cách thông thường mà sử dụng dạng phun sương. Cách này vừa giữa độ ẩm lâu, lại vừa giúp cây phát triển tốt.
Hãy nhanh tay tậu cho gia đình một hoặc vài chậu cọ cảnh để tạo môi trường sinh thái trong lành cho nhà ở.
Cọ tre và hệ sinh thái thu nhỏ làm mát nhà ở (Ảnh: Pixabay)
5. Cây lưỡi hổ, cây lưỡi cọp, hổ vĩ mép lá vàng, cây lưỡi mẹ chồng
Dù không lạ lẫm với loài cây này nhưng nhiều người vẫn băn khoăn về việc cây lưỡi hổ có nên trồng trong nhà hay không. Bởi nó cũng là loại cây trồng phong thủy giúp cải thiện vận khí.
Giống như cây lô hội, lá cây lưỡi hổ chứa hàm lượng nước rất cao nên khi thoát hơi nước nó thải ra lượng hơi ẩm lớn vào không khí. Nó có thể loại bỏ khí CO2 và nhả Oxy làm mát môi trường cả vào ban đêm, đặc biệt trong những ngày hè oi bức.
Không chỉ thế, lưỡi hổ còn có khả năng loại bỏ từ 4-5 loại độc tố tồn tại trong không khí, trông đó có benzen và formaldehyde.
Cây lưỡi hổ thích hợp trồng cả ở trong nhà lẫn ngoài trời. Việc chăm sóc lưỡi hổ cũng cực kỳ đơn giản.
Lưỡi hổ có thể sống trong điều kiện ánh sáng kém nhưng cũng chịu được nắng hạn. Bạn có thể trồng lưỡi hổ ở ngay cửa sổ hoặc những nơi vượng sáng. Điều này rất có lợi. Ở những vị trí này nó càng dễ dàng cung cấp hơi ẩm để ngăn sức nóng của ánh sáng mặt trời xâm nhập vào bên trong nhà.
Nếu là một người bận rộn thì bạn nên trồng lưỡi hổ trong nhà. Bởi lỡ quên tưới vài ngày nó vẫn sống tốt. Thậm chí vào mùa đông, mỗi tháng bạn tưới một lần cũng chả sao.
Lưỡi hổ trồng được cả ở trong nhà lẫn ngoài sân (Ảnh: Pixabay)
Chú ý: Mỗi lần chỉ cần tưới một lượng nước vừa phải. Lưỡi hổ sẽ bị úng và thối rễ nếu lượng ẩm quá nhiều.
Trên đây là 5 loại cây trồng trong nhà làm mát không khí vừa đẹp, vừa dễ kiếm. Nó cực kỳ phù hợp với những người bận rộn, không có thời gian chăm sóc. Mỗi khi thiết kế nội thất hay trang trí biệt thự nhà vườn, nhà ở phố hay các căn hộ chung cư; các họa sĩ, Kiến trúc sư và chủ nhà cần lưu ý để lựa chọn phù hợp. Phương pháp tận dụng chức năng điều hòa không khí tự nhiên của các loài thực vật xung quanh chúng ta giúp không những giúp môi trường nhà ở trong lành mà còn vô cùng an toàn và tiết kiệm.
Theo Housebeautiful