Những công trình tân cổ điển thời Pháp thuộc ở Hà Nội
Phong cách Tân cổ điển là một phong cách kiến trúc rất thịnh hành ở Châu Âu và Bắc Mỹ trong suốt thế kỷ 19. Mặc dù ở mỗi quốc gia đều mang sắc thái khác nhau nhưng nét cơ bản của phong cách này là phục hưng những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực của kiến trúc Hy Lạp, La Mã cổ đại tới những kiến trúc cải tiến sau này của chúng sau này như Phục Hưng, Baroque hay chủ nghĩa Cổ điển Pháp thế kỷ 17-18.
Vào đầu thế kỷ 20, khi người Pháp tiến hành công cuộc xây dựng, mở mang Hà Nội nhằm biến nơi đây thành Trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của toàn Liên bang Đông Dương, các công trình công cộng mang phong cách Tân cổ điển được xây dựng rộng rãi. Sau đây, kientrucvietas.com sẽ giới thiệu tới các bạn đọc giả những công trình kiến trúc công cộng tiêu biểu vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Dinh Toàn quyền
Dinh Toàn quyền (Hôtel du Gouvervement Général) được xây dựng năm 1902 trên khu đất rất rộng, án ngữ tuyến phố La République (nay là phố Hoàng Văn Thụ) và nhìn ra quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình) được coi là hạt nhân trung tâm hành chính của Hà Nội lúc bấy giờ.
Kiến trúc Dinh Toàn Quyền đồ sộ (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Công trình được xây dựng theo kiểu Palladio thời Phục hưng hậu kỳ có lối vào từ 3 phía và mang tính đối xứng nghiêm ngặt. Kiến trúc bao gồm 4 tầng: tầng hầm dành cho các phòng phục vụ; tầng 1 bố trí thư viện, phòng khánh tiết và các phòng làm việc: tầng 2 có phòng làm việc của Toàn quyền Đông Dương, phòng khách, phòng hợp, phòng ăn cùng các phòng làm việc; tầng 3 là nơi sinh hoạt của gia đình viên Toàn quyền.
Toàn bộ công trình được đặt trên một tầng đế chắc đậm với lượng mở cửa rất nhỏ, tường xây tạo chỉ lõm, các bậc thang bằng đá nhấn mạnh tính bề thế. Mặt nhà chia thành 3 phần rõ rệt theo phương ngang. Khu vực trung tâm mang tính rỗng, được trang trí bằng các hàng cột La Mã, tầng 1 dùng thức Doric mạnh mẽ, tầng 2 dùng thức Lonic nhẹ nhàng, giữa hàng cột là các cửa mở rộng và kết thúc theo kiểu cuốn vòm, phần trên khá nhẹ với các ô cửa hình vuông phía dưới một diềm mái được trang trí rất tinh tế. Kết thúc theo phương ngang là hai khối nhô mạnh ra phía trước mang tính đặc với hai hàng cửa được trang trí cầu kỳ, hai phía cửa đều được nhấn bởi các thức cột, tầng dưới thức Doric, tầng trên thức Lonic, kết thúc phía trên bằng hình thức hai Fronton xếp chồng lên nhau theo kiểu Baroque vô cùng độc đáo.
Dinh Thống sứ Bắc kỳ
Dinh Thống sứ Bắc kỳ (Hôtel de la Résidence Supérieure) nằm trong quần thể kiến trúc trục vườn hoa Paul Bert (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ) đặt vuông góc với hồ Hoàn Kiếm bao gồm toà Kho bạc, Bưu điện, Đốc Lý, dinh Thống sứ và chi nhánh ngân hàng Đông Dương.
Công trình được xây dựng vào năm 1909 theo tinh thần cổ điển Pháp thời Napoléon III, gồm 3 tầng: tầng hầm chủ yếu là các kho và một số phòng phục vụ; tầng 1 gồm các phòng khách, phòng làm việc và phòng ăn...; tầng 2 có một phòng họp lớn và các phòng nghỉ. Mặt bằng công trình theo hình chữ nhật, các phòng chính được bố trí đối xứng có hành lang bao quanh, phía sau là các phòng phụ.
Dinh Thống sứ Bắc kỳ (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Mặt trước công trình có cấu trúc đối xứng và được chia thành 3 phần theo cả phương ngang lẫn phương đứng. Mảng trung tâm được nhấn mạnh bởi một cửa vào lớn hình cuốn vòm kết hợp với một mái hiên hình cánh hoa bằng kim loại và kính theo phong cách Tân cổ điển Art Nouveau của Hertor Guimard, phía trên là một cửa sổ lớn và được kết thúc bởi một Fronton dựa trên hai cặp bổ trụ vuông được trang trí bởi hình thức đầu cột Lonic.
Khu vực trung tâm của công trình được nhấn mạnh bởi một khối mái được trang trí cầu kỳ. Hai bên là hai phần thân nhà đối xứng, mỗi bên có 5 bước gian gồm 2 hàng cửa sổ, phía dưới là các cửa cuốn vòm, phía trên cửa hình chữ nhật, giữa các cửa là mảng tường được nhấn mạnh phía trên bởi một khung trang trí hình trái xoan phổ biến thời Phục hưng. Kết thúc phương ngang nhà là các cặp bổ trụ vuông với đầu cột Ionic, cặp trụ này còn được nhắc lại ở hai đầu hồi làm tăng tính vững trãi và uy nghiêm của toà nhà.
Viện Radium Đông Dương
Viện Radium Đông Dương (Institut du Radium de l'Indochine) được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1915 đến năm 1920 trên khu đất tiếp giáp với các phố Richard (Phố Quán Sứ), Bornis Desbordes (phố Tràng Thi) và Rollande (phố Hai Bà Trưng) do một tổ chức y tế tư nhân đầu tư.
Viện Radium Đông Dương (Ảnh: Sưu tầm Internet)
Toà nhà bao gồm 3 tầng: Tầng hầm cách nhiệt chống ẩm; tầng 1 là nơi bố trí các phòng khám, các phòng đặt máy quang tuyến dùng để chuẩn đoán và điều trị bệnh ung thư; tầng 2 gồm hội trường, phòng Giám đốc, thư viện và các phòng hành chính. Các phòng làm việc trên cả hai tầng đều được bố trí theo kiểu hành lang bên, nối giữa các tầng là một cầu thang lớn bố trí ngay chính sảnh.
Kiến trúc toà nhà chịu ảnh hưởng mạnh bởi phong cách Tân cổ điển Pháp thời Louis XIV với mặt chính được phân thành năm phần theo phương ngang gồm có phần trung tâm được nhấn mạnh bởi các cửa chính ra vào mở rộng, phía trên được che bởi một ban công có các công xon uốn lượn, tầng 2 là hàng cột Doric cùng các cửa đi có phần cuốn vòm nghệ thuật ở phía trên. Nổi bật hai phía là hàng cột kép thức Doric, giữa hai cột được trang trí bởi một cartouche, còn giữa các cột là hàng cửa sổ mở rộng tạo cảm giác rỗng. Kết thúc phương ngang của ngôi nhà là hai mảng đặc với lượng cửa mở nhỏ kết hợp với các bổ trụ được nhấn bởi cái chỉ lõm.
Theo Zing