Kiến trúc phật giáo Thái Lan – tinh hoa nghệ thuật Nước Phật áo vàng
Thái Lan được mệnh danh là “Nước Phật áo vàng” vì có tới 95% dân số theo đạo Phật. Đó cũng là lý do vì sao Thái Lan là quốc gia có đến 2 vạn 7 ngàn ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau. Là một miền đất Phật, nên những ngôi chùa ở đây mang kiểu kiến trúc độc đáo và có phần đặc trưng của Thái Lan: những ngôi chùa dát vàng, những ngọn tháp hình xoắn ốc, nghệ thuật chạm khắc tinh vi,… tất cả tạo nên vẻ rực rỡ, thể hiện được phần nào phong cách kiến trúc phật giáo Thái Lan. Hãy cùng kientrucvietas.com khám phá điều này nhé.
Kiến trúc phật giáo chùa Wat Arun, Bangkok (Ảnh: Internet)
Cùng với ảnh hưởng của nền kiến trúc Ấn Độ, Khmer và một số quốc gia khác thì kiến trúc đền chùa của Thái Lan đã được phát triển thành những phong cách riêng độc đáo với những ngôi chùa nhiều mái, những đền đài có tháp cao vút đặc sắc. Kiến trúc đền chúa Thái Lan kết hợp hài hòa đươc hai trường phái hoàn toàn đối chọi nhau, một bên là màu sắc sặc sỡ, một bên là sắc thái dịu dàng, trầm mặc, phong cách kiến trúc này đã phản ánh toàn diện vẻ đẹp tâm hồn của người Thái.
Mặc dù hầu hết những công trình kiến trúc phật giáo Thái Lan đều được xây dựng bằng gạch đá, chúng ta cùng tìm hiểu kiến trúc của một ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc này còn tồn tại. Theo phương pháp của người Thái xưa, sa thạch được dùng làm các bộ phận của cánh cửa, rầm đỡ khung cửa và những cửa sổ hình chữ nhật. Nhưng khoảng thế kỷ thứ 12, gạch được thay thế cho sa thạch như một loại vật liệu xây dựng được ưa chuộng. Những viên gạch được xếp chồng lên nhau một cách khéo léo mà không cần dùng đến vữa để kết dính. Chúng được gắn với nhau bằng một loại keo thực vật, và sau đó bọc bên ngoài bằng những phiến đá được chạm trổ tinh xảo. Sau đó các nhà xây dựng dùng một loại hỗn hợp của cát, vôi và chất kết dính, được củng cố bằng đất nung để trát lên tường. Ngoài ra, vùng rừng rậm phía Bắc Thái Lan, gỗ được dùng làm đền chùa và những nghệ nhân ở đây rất tài hoa trong việc khắc chạm những chi tiết trang trí rất tinh xảo.
Cảnh quan tuyệt đẹp tại chùa Doi Suthep, Chiang Mai (Ảnh: Internet)
Kiến trúc phật giáo Thái Lan còn ảnh hưởng nền kiến trúc của Trung Hoa được thể hiện qua các món trang trí, đặc biệt là việc sử dụng những mảnh sứ đủ màu đã tạo cho kiến trúc Thái một dáng vẻ vừa hài hòa vừa đa sắc màu.
Với việc sử dụng những loại vật liệu như mảnh thủy tinh khảm vào cột, những hình tượng được trạm khắc bằng gỗ, các chi tiết trang trí bằng sơn mài, mạ vàng, xà cừ và mảnh sứ đã giúp cho các công trình kiến trúc có được vẻ đẹp lấp lánh trang nhã theo đúng ý của người thiết kế.
Công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo nhất ở Thái Lan có thể kể đến đó là đền Phra Kaeo. Ở khu đền này, số lượng những chi tiết chạm trổ điêu khắc trang trí nhiều hơn bất kỳ công trình nào trên thế giới. Trong khuôn viên đền, hầu như bất kỳ mặt phắng nào cũng được bao phủ bằng những chi tiết trang trí rất ấn tượng. Được xây đựng kết hợp bởi rất nhiều màu sắc và vật liệu, cả ngôi đền là một tổng thể độc đáo với những mái ngói nhiều tầng có các màu xanh, cam, hoàng thổ, xanh lục được kết hợp với nhau rất đẹp mắt, những con rồng nhe nanh trừng mắt trước những cánh cửa vô giá của thời kỳ hoàng kim Ayutthaya được khảm xà cừ lấp lánh ấn tượng, những con sư tử bằng đồng, các pho tượng Trung Hoa và những chiếc khánh kêu leng keng treo dưới mái hiên được sơn màu đỏ son và vàng kim. Trên hết, đó là một mô hình lý tưởng của người Thái về một phức thể được thiết kế bởi các người thợ tài hoa, thể hiện sự tôn kính và trầm mặc của kiến trúc phật giáo.
Kiến trúc chùa Phật Vàng nổi tiếng ở BangKok (Ảnh: Internet)
Mặc dù cùng với sự phát triển cũng như thâm nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng lối kiến trúc phật giáo Thái Lan thì không hề thay đổi, có chăng là sự thêm thắt những chi tiết phức tạp khác trên nguyên bản kiến trúc làm nổi bật hơn mà thôi, ngay cả những ngôi chùa được xây mới vào cuối thế kỷ 20 vẫn còn bảo tồn được nét nghệ thuật cổ điển độc đáo của mình, tạo nên một phong cách kiến trúc phật giáo vô cùng độc đáo.
Theo Dulichthailan